AI LÊN XỨ LẠNG CÙNG ANH

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em…”


Du Lịch Lễ Hội- Câu ca dao lưu truyền từ bao đời ấy cất lên như mời gọi du khách hãy một lần lên thăm xứ Lạng - mảnh đất địa đầu của Tổ quốc để cùng khám phá vẻ đẹp hòa quyện của núi và mây, của hang và động, của phố và chợ - một vẻ đẹp huyền ảo và thơ mộng mà tạo hoá đã ban tặng cho cảnh quan thiên nhiên xứ Lạng, để rồi đắm mình trong những làn điệu Then, Sli, lượn Tày, Nùng ngọt ngào đằm thắm, để cùng khám phá những nét văn hoá độc đáo của đồng bào các dân tộc nơi đây hay để nghiêng ngả say trong men rượu trên đỉnh Mẫu Sơn hùng vĩ…

Lạng Sơn - vùng đất “sơn thuỷ hữu tình”: Một lần đặt chân đến với Lạng Sơn, hẳn bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp nên thơ “sơn thuỷ hữu tình” của cảnh quan thiên nhiên nơi đây. Cùng với dòng sông Kỳ Cùng chảy ngược về phương Bắc nằm giữa lòng thành phố như một điểm nhấn ấn tượng là quần thể di tích Nhị - Tam Thanh – “Đệ nhất bát cảnh Xứ Lạng” và nổi tiếng hơn với biểu tượng về lòng chung thuỷ sắt son của người phụ nữ Việt Nam – nàng Tô Thị bồng con đứng ngóng chồng nơi ải Bắc…

Chợ Kỳ Lừa: Chợ Kỳ Lừa ở Lạng Sơn là nơi mua bán t Sơn. Chợ Kỳ lừa mỗi tháng họp 6 phiên vào các ngày 2, ngày 7 âm lịch, có hàng hoá sản vật của hầu hết các tỉnh . Người đến chợ có khi không cốt để mua bán mà chỉ để thăm hỏi, bàn chuyện làm ăn, Thanh niên nam nữ các dân tộc đến chợ để gặp ban thân, tìm bạn đời qua các lời ca giao duyên sli, lượn, tìm đến những niềm đồng cảm bao quanh. Tại chợ, cùng với những màu sắc đa dạng của những hàng thổ cẩm, trang phục, còn có các món ăn đậm đà hương vị miền núi Xứ Lạng. Mỗi năm Lạng Sơn có Hội chợ Kỳ lừa, kéo dài từ 22 đến ngày 27 tháng giêng âm lịch, là nét sinh hoạt văn hoá cổ truyền đậm đà bản sác dân tộc. Chợ Kỳ lừa ngày nay đã được tôn tạo và mở cửa cả ngày và đêm. Với không khí trong lành của núi rừng miền biên cương, cùng với cảnh và người đi chợ đêm gây được ấn tượng sâu sắc khó phai đối với khách đến Lạng Sơn

Núi Nàng Tô Thị: Nằm trong quần thể danh lam thắng cảnh Nhị, Tam Thanh, truyền thuyết về Nàng Tô Thị đã đi vào tâm khảm của dân tộc Việt Nam thiên nhiên đã tạo ra hình tượng người mẹ ôm con đứng chờ chồng trên đỉnh núi cao như một biểu tượng của lòng thuỷ chung son sắt của người phụ nữ Việt Nam.

Động Nhị Thanh: Là Chùa Tam Giáo, trong Động có nhiều tượng thánh bày thờ theo nhiều hình thức - Động Nhị Thanh gắn liền với danh nhân Ngô Thì Sỹ khi Ông được cử lên làm quan đốc trấn Lạng Sơn từ năm 1777 - 1780. Trong khoảng thời gian ngắn, ông đã làm cho bộ mặt Lạng Sơn thay đổi phát triển đi lên về các mặt Chính trị - Kinh tế, bảo vệ đất nước Đặc biệt về văn hoá, ông đã có công phát hiện ra 8 cảnh đẹp Xứ Lạng ( Trấn doanh bát cảnh ) trong đó có động Nhị Thanh. Tháng 5 năm 1779 ông đã thuê thợ khởi công xây dựng tôn tạo khu động. Động bên trái cao, thế đất tốt hơn làm chùa Tam Giáo thờ 3 vị thánh là Khổng Tử - Lão Tử - Phật Thích Ca. Động Nhị Thanh ở bên dưới chùa Tam Giáo, là một hang đá tự nhiên từ cửa trước ra cửa sau dài hơn 500m, với nhiều cảnh đẹp tự hiên kỳ vĩ. Ngày nay, tại di tích này có hệ thống văn bia tạc trên vách đá của các danh nhân thi sĩ qua lại các thời kỳ lưu lại. Đây là nguồn sử liệu, những tác phẩm văn học hết sức quí giá, thông tin về lịch sử và di tích Lạng Sơn, nơi đây còn có tượng truyền thần của Ngô Thì Sĩ tạc cùng năm 1779 rất đẹp và có giá trị mỹ thuật cao.

Lạng Sơn - vùng đất đậm đà bản sắc văn hóa: Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới có 253 km đường biên, có cửa khẩu quốc tế và quốc gia, cửa ngõ giao lưu kinh tế và văn hóa với nước láng giềng Trung Quốc. Đây là những nền tảng cơ bản tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hoá của tỉnh Lạng Sơn. Từ hàng nghìn năm, bằng ý chí độc lập tự cường dân tộc, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hòa nhập với cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ngày nay, những di sản văn hóa truyền thống Lạng Sơn đã trở thành nét tiêu biểu của nền văn hóa Việt Nam. Với những lợi thế về địa lý và truyền thống văn hóa sẵn có, văn hoá Lạng Sơn đã tạo được nét chấm phá riêng, độc đáo và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách mỗi khi đến với Lạng Sơn.

Di tích lịch sử - dấu ấn văn hoá xứ Lạng: Lạng Sơn còn có một hệ thống DSVH vô cùng phong phú và đa dạng với các loại hình như: Di tích ghi dấu chiến công chống giặc ngoại xâm: Ải Chi Lăng, Đường số 4, khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn, khu du kích Chi Lăng, khu du kích Ba Sơn; Di tích ghi dấu sự kiện lịch sử: Sân vận động Đông Kinh (TP Lạng Sơn) - nơi Bác Hồ nói chuyện với đồng bào các dân tộc Lạng Sơn, Di tích Trạm khí tượng thuỷ văn Tràng Định – nơi Bác Hồ đến thăm năm 1961; Di tích lưu niệm các nhân vật lịch sử: di tích lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ (Văn Lãng), Nhà số 8 phố Chính Cai (TP Lạng Sơn), di tích lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri ( Văn Quan). Rồi các di tích khảo cổ học như: Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Mai Pha, Phai Vệ, Phia Điểm, Ba Xã, Lũng Yêm… Cho đến các di tích văn hoá - nghệ thuật: Đình Bắc Sơn, Nông Lục (Bắc Sơn); chùa Tam Giáo, chùa Tam Thanh, chùa Thành, chùa Tiên (TP Lạng Sơn), chùa Bắc Nga (Cao Lộc), chùa Trung Thiên (Lộc Bình); đền Kỳ Cùng, đền Cửa Tây, đền Tả Phủ, đền Vua Lê; di tích Đoàn Thành Lạng Sơn, Thành Nhà Mạc…

Văn hoá Ẩm thực: Xứ Lạng mang trong mình một dòng văn hoá ẩm thực đặc biệt với những món ăn hấp dẫn, những món ăn dân dã nhưng lại mang đầy phong vị độc đáo, rất Lạng Sơn. Một lần đến với Lạng Sơn và thưởng thức những món ăn của miền đất này hẳn sẽ khiến bạn nhớ mãi bởi sự độc đáo, tinh túy và mang đậm bản sắc quê hương của ẩm thực nơi đây.

Phở chua xứ Lạng: Đây là đặc sản của xứ Lạng, được chế biến khá cầu kỳ và có hương vị vô cùng hấp dẫn. Phở chua Lạng Sơn phải ăn nhẩn nha mới thưởng thức hết hương vị đặc biệt của nó. Phở chua gồm hai phần: nguyên liệu khô và phần nước. Phần khô trước hết phải kể đến bánh phở. Cũng vẫn là thứ bánh phở quen thuộc nhưng cái khác ở đây là bánh phở được làm se lại sao cho vừa dẻo vừa dai. Tiếp đó là món khoai tây thái chỉ và miếng doang được thoa qua mỡ sao cho thật giòn và vàng rộm lên. Gan lợn thái mỏng bằng nửa lòng bàn tay rán cháy cạnh. Thịt lợn ba chỉ loại ngon và dạ dày lợn đem quay trong chảo mỡ. Phần nước phở gồm: nước báng tỏi, dấm, đường, mì chính... Chính thứ nước hỗn hợp này làm cho người ăn không không cảm thấy ngấy. Còn nước lèo chính là thứ nước múc từ bụng con vịt quay, vừa có vị ngậy của mỡ vịt, vừa thơm phức nhờ những gia vị ướp trước khi quay.

Phở chua là món ăn hàn thực nên nó được ưa chuộng nhất vào mùa thu và mùa hè. Phở chua được coi là món ăn đặc sản đáng tự hào của người Lạng Sơn, bởi vậy nó là món không thể thiếu trong các dịp đón khách quý tới nhà.

Thịt lợn quay: Đây là món ăn đặc sản không thể thiếu trong các bàn ở Lạng Sơn và không chỉ ngon mà còn chế biến cầu kì và mang hương vị riêng của xứ Lạng. Món ăn lợn quay không chỉ ngon mà còn được chế biến cầu kỳ, có hương vị rất riêng. Lợn quay phải chọn những con khoảng 20-35kg, vừa quay lợn trên đống than đang cháy hồng, vừa bôi mật ong pha dấm để bì lợn khi chín có màu vàng sậm, giòn và không bị nứt. Lợn quay có vị ngọt béo ngậy của thịt vừa chín tới, vị thơm của lá mác mật, ăn một lần là nhớ mãi


Nguồn: Sinhcafehn.com

Rao vặt cùng chuyên mục:

  • » Dịch vụ cho thuê xe limousine đi Bái Đính
  • » Đặc sắc tour hồ Hòa Bình - đền chúa Thác Bờ - bản Ngòi Hoa, Hòa Bình
  • » Lịch sử địa danh 2 ngôi Đền Chúa Thác Bờ
  • » Quy định tiêm chủng vaccine phòng Covid 19 khi bay đến Mỹ
  • » Cập nhật vé máy bay từ Nhật Bản về Việt Nam mới nhất
  • » Cập nhật chuyến bay hồi hương Việt Nam mới nhất
  • » Vé máy bay từ Mỹ về Việt Nam của Asiana Airlines quá cảnh Hàn Quốc
  • » Vé máy bay từ Mỹ, Canada về Việt Nam quá cảnh Nhật Bản
  • » Cập nhật vé máy bay về Việt Nam trong tháng 10/2021
  • » Vé máy bay từ Pháp về Việt Nam siêu tiết kiệm